Nội thất gỗ khi tiếp xúc trực tiếp với môi trường thường xuyên phải chịu những tác động sự thay đổi nhiệt độ, nước, ánh nắng… Nên nước sơn thường mất màu và cũ đi theo thời gian. Cũng giống như tường nhà, hằng năm khi ngôi nhà cũ đi bạn cũng cần phải sơn sửa tút tát lại. Ngoài ra, dù là gạch đá hay vật liệu gì đi chăng nữa thì cũng không thể nào trường tồn. Gỗ tự nhiên có 1 lợi thế đó là dù cho gỗ cũ kỹ, xù xì đi nhưng đánh bóng chúng sẽ lại như mới. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn các cách làm mới đồ gỗ hiệu quả nhất.
Đánh bóng đồ gỗ cũ thành mới bằng vecni
Đánh bóng bằng cách đánh vecni là cách làm xưa nhất để đánh bóng đồ gỗ cũ thành mới. Cách này dùng sơn vecni là hỗn hợp giữa cánh kiến và cồn 90 độ. Ngâm trong vòng khoảng 1 ngày hỗn hợp sẽ hòa tan thành dung dịch màu nâu nhạt. Khi nhìn ở góc nghiêng sẽ thấy vân óng ánh, được dùng để trang trí bề mặt đồ gỗ nội thất.
1. Cách đánh bóng đồ gỗ cũ bằng vecni
- Bước 1: Xả nhám bề mặt gỗ bằng giấy nhám P180. Tiếp theo, dùng nùi giẻ lau sạch gỗ.
- Bước 2: Dùng giấy nhám P240 để xả nhám bề mặt gỗ lần 2. Rồi lại lau sạch bằng nùi giẻ.
- Bước 3: Tiến hành quét dung dịch Vecni bằng cọ lên bề mặt gỗ.
- Bước 4: Sau khi dung dịch khô, bạn dùng giấy nhám P320 xả sạch rồi lại lau bằng nùi giẻ.
- Bước 5: Tiếp tục quét Vecni lên gỗ, đợi cho khô rồi dùng giấy nhám P400, sau đó lại lau sạch bằng nùi giẻ.
- Bước 6: Tiếp tục quét Vecni lên gỗ giống như bước 5 rồi dùng giấy nhám P600 xả nhẹ và lau sạch.
2. Hạn chế của cách đánh bóng đồ bằng vecni
Bạn lưu ý là cách đánh bóng đồ gỗ cũ bằng vecni thường hạn chế về màu sắc. Vecni chỉ có 2 màu cơ bản là màu nâu gụ và màu cánh dán. Nên chỉ phù hợp để đánh bóng các loại nội thất có màu tương đồng. Ví dụ như màu nội thất làm từ gỗ căm xe, gỗ lim, gỗ hương hay gõ đỏ. Các màu sáng như sồi, tần bì, gỗ beech… thì không dùng vecni để tạo màu tự nhiên được.

Đánh bóng đồ gỗ cũ bằng vecni không giữ được màu lâu do không có hóa chất giữ màu. Vì vậy công việc đánh bóng thường phải duy trì hàng năm. Đánh bóng đồ gỗ bằng vecni cũng tốn nhiều công sức hơn do phải xả nhám nhiều lần.
Đánh bóng đồ gỗ tự nhiên bằng sơn PU
Làm bóng đồ gỗ tự nhiên bằng cách sơn PU xuất hiện sau này thay cho đánh vecni truyền thống. Làm bóng đồ gỗ bằng sơn PU thực hiện bằng súng phun nên hiệu quả cao hơn chà bằng tay khi làm vecni. Sơn PU thực hiện được cho các sản phẩm đồ gỗ với số lượng nhiều. Sơn PU có nhiều màu hơn sơn Vecni từ màu nhạt, màu trung tính đến màu đậm. Điều này cho phép làm bóng được đồ gỗ sáng màu như gỗ sồi, tần bì, beech… Và các loại gỗ màu trung tính như căm xe, gõ, lim… Cuối cùng là phù hợp cho các màu đậm như gỗ óc chó, gỗ chiu liu…
1. Cách làm bóng đồ gỗ bằng sơn PU
- Bước 1: Tiến hành làm sạch bề mặt vật dụng
- Bước 2: Tiến hành sơn lót lần 1
- Bước 3: Chà nhám và phun lót lần 2
- Bước 4: Phun màu
- Bước 5: Phun bóng bề mặt sản phẩm
2. Hạn chế của cách làm bóng đồ gỗ bằng sơn PU
Tuy nhiên đánh bóng đồ gỗ bằng sơn PU phải dùng máy phun lên có nhiều bụi sơn và mùi ra môi trường. Giá thành sơn PU cũng cao hơn cách làm bóng bằng vecni. Kỹ thuật làm khó nhất vẫn là khâu pha màu, nên cần phải có người kinh nghiệm để làm.

Trong các cách đánh bóng đồ gỗ thì đánh bóng bằng cách sơn PU vẫn là cách phổ biến nhất. Độ bóng của bề mặt gỗ có nhiều tùy chọn như bóng mờ, bóng sáng. Về hệ sơn cũng có nhiều hãng như sơn 2K, sơn Inchem… để chúng ta lựa chọn.
Đánh bóng đồ gỗ tự nhiên bằng cana (cà na)
Cana là mẫu xi (sáp) chuyên dụng thường dùng trong việc đánh bóng một số sản phẩm thông dụng như giày, gỗ, máy móc… Cana có công dụng chính là làm sạch bề mặt, cana thường dùng cho việc đánh bóng vết xước bề mặt. Đánh bóng đồ gỗ bằng cana chỉ thường áp dụng cho việc làm bóng vết xước của gỗ. Không dùng được số lượng nhiều hoặc tiết diện mặt gỗ lớn.
1. Cách đánh bóng bề mặt gỗ bằng cana
- Bước 1: lấy 1 ít Cana cho vào khăn vải mềm.
- Bước 2: xoa đều lên bề mặt đồ gỗ và để yên trong 5 phút.
- Bước 3: lấy một chiếc khăn khác lau sạch lớp Cana và lau thêm một lần nữa là được.
2. Hạn chế của việc đánh bóng bằng cana
Đánh bóng bề mặt gỗ bằng cana không ứng dụng được với các vết xước vừa đến lớn như cửa phòng ngủ, pano cánh cửa, mặt bàn ăn… Việc dùng cana để đánh bóng bề mặt gỗ nhiều lần có thể dẫn đến lớp sơn bị bào mòn, ố màu, loang lổ màu. Lâu dần sẽ ăn mòn vào trong lớp trong, hư hại luôn lớp sơn nguyên bản.

Để gia tăng độ bền cho bề mặt sau khi đáng bóng, chúng ta có thể tăng thêm một lớp dầu lau gỗ. Nhằm bảo quản trên bề mặt cửa gỗ tự nhiên (nhưng tối đa chỉ khoảng 2-3 lớp). Bạn nên nhớ rằng khi số lớp dầu bảo quản nhiều hơn một lớp thì cũng có nghĩa là sản phẩm gỗ của bạn được bảo vệ tốt hơn. Nhưng thông thường chỉ cần một lớp là được rồi. Bạn có thể sử dụng sản phẩm đồ gỗ lại sau khi sờ nhẹ tay vào thấy lớp phủ khô là được.
Vài lưu ý chung để bảo vệ bề mặt đồ gỗ
Nội thất bền hay không là một phần do người sử dụng biết cách bảo quản, chăm chút cho nó. Để đồ gỗ tự nhiên có độ bóng, độ bền màu cao hơn. Dưới đây là 1 số lưu ý nhỏ:
1. Hạn chế ánh nắng mặt trời chiếu vào sản phẩm đồ gỗ
Nội thất gỗ tự nhiên hiện nay phần lớn được làm từ các loại gỗ cao cấp như: căm xe, gỗ Sồi, gỗ óc chó , gỗ lim … Đây là những loại gỗ tốt điển hình với khả năng chống chịu cao trước sự thay đổi của thời tiết đặc biệt như thời tiết ở Việt Nam. Tuy nhiên nếu nội thất gỗ nhà bạn phải chịu tác động của nắng nóng trong một thời gian dài thì chắc chắn cửa gỗ sẽ xuống cấp nhanh chóng. Khiến bộ cửa gỗ cao cấp của bạn dễ bị xỉn màu, bong tróc lớp sơn phủ bên ngoài. Vì vậy, bạn nên dùng màn che phía bên ngoài nội thất gỗ để bảo vệ nó một cách tốt nhất.
Do vậy, những cánh nội thất gỗ tự nhiên nên hạn chế việc tiếp xúc với ánh nắng (mặc dù điều này gần như là không thể, bởi nếu che đi, nét đẹp của cửa gỗ không được mọi người chiêm ngưỡng).
2. Ngăn chặn côn trùng làm hỏng đồ gỗ
Trước khi sản xuất, tấm gỗ nên được phơi, sấy kỹ lưỡng để xử lý ngay trước khi lắp đặt. Khi bị các loại côn trùng như mối mọt xâm lấn sẽ nhanh chóng bị xuống cấp. Vì vậy, ngay từ đầu, bạn nên mua loại gỗ tự nhiên từ xưởng mộc uy tín chuyên nghiệp. Phải có thành phần phụ gia chống mối mọt mà họ đã thêm vào trong quá trình sấy gỗ. Phải kết hợp với đó là bạn nên dùng các biện pháp chống mối mọt để có thể giữ cho cửa gỗ nguyên vẹn trong quá trình sử dụng.
Những sản phẩm nội thất bị ngâm nước lâu hoặc bị đặt đồ dùng ở nơi có ánh nắng trực tiếp. Hoặc những nơi có nhiệt độ thường xuyên thay đổi, quá nóng hoặc quá lạnh. Khi nội thất bị vết bẩn, di chuyển bị trầy xước … Thay vì bỏ đi thì chúng ta hãy nghĩ tới việc sửa chữa hoặc bảo dưỡng cho mới và sử dụng tiếp. Ngoài ra, trong quá trình sử dụng nội thất (như bàn ghế ăn, bàn ghế sofa, cửa phòng ngủ, cửa mặt tiền …) sẽ mất dần độ bóng theo thời gian. Bề mặt trở nên cũ đi hoặc phai màu do thời tiết, khí hậu thất thường. Nên việc bảo dưỡng đúng cách không chỉ làm tăng thời gian sử dụng mà còn làm chúng trở nên mới hơn. Chúc bạn thành công.