Với các loại gỗ nhập khẩu được đóng kiện sẵn như gỗ sồi, gỗ tần bì, gỗ óc chó… thường có các độ dày tiêu chuẩn là 4/4, 5/4, 6/4, 8/4 và 12/4. Tại sao các loại gỗ này chỉ có các độ dày đó,chúng có ý nghĩa gì. Cũng như tại sao thế giới lại thống nhất chỉ sử dụng các độ dày này đối với gỗ xẻ sấy sẵn. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé.
1. Độ dày gỗ 4/4, 5/4, 6/4, 8/4 và 12/4 là gì
Khi xẻ gỗ các công ty xẻ gỗ khắp thế giới sử dụng rộng rãi phân số 1/4 (quarter) trong ngành công nghiệp xẻ gỗ cứng. Do đó 4/4, 5/4, 6/4, 8/4, 12/4 là một phân số cho biết độ dày của gỗ. Đơn vị độ dày của gỗ xẻ thường tính theo hệ inch.
1.1 Bảng quy đổi độ dày gỗ nhập khẩu theo hệ inch
Các xưởng mộc nội thất tại Việt Nam chúng ta thường quen thuộc với độ dày được tính theo hệ milimet (mm). Dưới đây là bảng quy đổi độ dày gỗ nhập khẩu từ hệ inch thành hệ mm:
- Gỗ dày 3/4 = 19.05 mm
- Gỗ dày 4/4 = 25.4 mm
- Gỗ dày 5/4 = 31.75 mm
- Gỗ dày 6/4 = 38.1 mm
- Gỗ dày 8/4 = 50.8 mm
- Gỗ dày 12/4 = 76.2mm
1.2 Tại sao lại phải sử dụng phân hạng theo cấp số 1/4 (quarter)
Mặc dù bạn có thể quen nhìn thấy các kích thước khác như 1×6 hoặc 2×8 trong xưởng gỗ cho gỗ mềm (linh sam, thông, tuyết tùng…). Nhưng đối với ngành công nghiệp gỗ cứng có cách tiếp cận khác.
Đó là bởi vì những người sử dụng chính các loại gỗ cứng (gỗ sồi đỏ, gỗ anh đào, gỗ phong…) xây dựng các thông số tùy chỉnh đồng nhất trong nguyên liệu thô. Vì vậy, tiêu chuẩn của ngành công nghiệp gỗ cứng để biểu thị kích thước bắt đầu bằng độ dày của gỗ. Và nó được thể hiện dưới dạng phân số: 3/4, 4/4, 5/4, 6/4, 8/4, 12/4…
Hệ thống đặt tên độ dày gỗ xẻ theo phần tư này được thành lập bởi Hiệp hội Gỗ cứng Quốc gia Hoa Kỳ ( NHLA) thiết lập. Tổ chức này được thành lập vào năm 1898 để thiết lập một hệ thống thống nhất về các quy tắc phân loại để đo lường và kiểm tra gỗ cứng.. Trên thực tế, các quy tắc phân loại của NHLA là cơ sở cho phần lớn hoạt động buôn bán gỗ xẻ cứng quốc tế.

2. Ứng dụng của từng loại độ dày gỗ nhập khẩu
2.1 Độ dày gỗ 3/4
Đối với các loại ván xẻ dày có quy cách 3/4 thường ứng dụng làm:
- Vách tủ kệ bếp, kệ tivi
- Dùng để đánh pano cửa tủ bếp, tủ áo (trừ huỳnh cửa).
- Cuốn mỏng để làm hậu tủ
2.2 Độ dày gỗ 4/4
Đối với các loại ván xẻ dày có quy cách 4/4 thường ứng dụng làm:
- Vách tủ bếp, tủ áo, kệ…
- Dùng để đánh huỳnh cửa tủ bếp, tủ áo
- Dùng làm đợt kệ
- Soi rãnh tạo các phào nẹp chỉ gỗ làm nóc tủ
2.3 Độ dày gỗ 5/4
Các loại gỗ xẻ dày quy cách 5/4 thường được ứng dụng làm các đồ nội thất sau:
- Dùng để thi công ốp bậc cầu thang gỗ.
- Dùng để làm huỳnh cánh tủ đối với hệ cánh dài.
2.4 Độ dày gỗ 6/4
Các loại gỗ xẻ dày quy cách 6/4 thường được ứng dụng làm các đồ nội thất sau:
- Làm mạ giường ngủ
- Làm huỳnh cửa phòng, cửa vệ sinh
- Làm khung xương các hệ tủ, kệ
2.4 Độ dày gỗ 8/4
Quy cách ván xẻ theo kích thước 8/4 thường được ứng dụng để đóng các đồ nội thất sau:
- Dùng làm khung bao cửa gỗ
- Để đóng bàn ghế ăn
- Ghép hộp đóng các chi tiết cần độ dày lớn
2.5 Độ dày gỗ 12/4
Đây là loại ván xẻ có ít ứng dụng hơn, các ứng dụng của gỗ dày 12/4 đó là:
- Làm chân bàn, ghế
- Làm đầu giường, đuôi giường
- Ghép hộp để đóng các chi tiết cần độ dày lớn.
Lưu ý, đa số thực tế phôi gỗ nguyên liệu khi được nhập về thì độ dày thực tế thường lớn hơn độ dày quy định là 1mm đến 2mm. Điều này có được là do các đơn vị xẻ gỗ thường tính toán bù thêm phầm độ dày mất đi do quá trình sấy gỗ và bào nhẵn gỗ.
Đối với gỗ nhập khẩu ngoài việc phân loại độ dày gỗ theo phân số 1/4 (quarter) là phổ biến toàn thế giới. Thì gỗ nhập khẩu còn được phân hạng theo độ dài (cutting) và phân loại theo tiêu chuẩn gỗ nhập khẩu. Tất cả đều được thống nhất toàn cầu để những đơn vị sản xuất nội thất dễ dàng chọn loại gỗ đúng nhu cầu mình cần. Trên đây là các thông tin mà chúng tôi gửi đến quý vị, hy vọng sẽ giúp ích đước quý vị trong công việc của mình.