Nhu cầu sử dụng các món đồ nội thất có giá thành vừa phải tăng cao. Điều đó kéo theo vật liệu gỗ như gỗ ghép thanh từ cao su hay gỗ thông ngày càng rộng rãi. Nhờ loại vật liệu này đóng đồ nội thất cũng rất đẹp mà giá thành lại rẻ. Các ứng dụng phổ biến của gỗ ghép dễ thấy từ bàn ghế gia đình, sàn gỗ đến các thiết kế nội thất. Nếu bạn chịu khó để ý thì vật liệu này dùng nhiều trong bàn ghế quán café, văn phòng. Tiện đây, chúng tôi sẽ giới thiệu cho bạn gỗ ghép thanh là gì, ưu nhược điểm và ứng dụng của chúng trong đời sống.
Gỗ ghép thanh là gì
Gỗ ghép thanh là loại ván gỗ được sản xuất từ việc ghép các thanh gỗ tự nhiên có quy cách nhỏ lại với nhau. Thông qua các công nghệ ghép gỗ hiện đại, tạo nên một tấm gỗ có kích thước lớn.
Những thanh gỗ nhỏ được tận dụng từ các loại gỗ như gỗ cao su sẽ gọi là gỗ ghép cao su, từ gỗ thông sẽ gọi là gỗ thông ghép. Các thanh gỗ nhỏ này được xử lí tẩm sấy nghiêm ngặt trên dây chuyền tiên tiến. Đã được loại bỏ hết các tác nhân có hại như mối mọt, ẩm mốc. Sau đó gỗ thanh được cưa, bào, phay chạy qua máy ghép mộng. Rồi được chà, ép, phủ sơn để tạo nên thành phẩm là gỗ ghép thanh nguyên tấm.
Thông số kỹ thuật của gỗ ghép thanh
- Độ ẩm: từ 8 đến 12% . Mức tối đa cho phép sẽ là 12%.
- Keo tiêu chuẩn quốc tế: F4
- Kích thước tấm gỗ ghép thanh là 1220mm x 2440mm
- Độ dày gỗ ghép thanh từ: 5mm, 10mm, 18mm, 24mm.
Thời gian xuất hiện gỗ ghép thanh
Gỗ ghép thanh xuất hiện từ rất sớm trong đó gỗ plywood là 1 biện thể, chúng được phát triển mạnh sau năm 1970. Sản lượng gỗ ghép thanh lớn nhất là các khu vực ở Châu Âu, tiếp theo là Châu Mỹ và Châu Á. Tại Châu Á thì Nhật Bản là quốc gia sản xuất ván ghép thanh nhiều nhất, theo sau là Hàn Quốc và Indonesia.

Các kiểu ghép gỗ tạo thành 1 tấm hoàn chỉnh
Đại đa sỗ ghép thanh được sản xuất từ phôi gỗ cao su, gỗ thông, gỗ keo, gỗ tràm… hoặc các loại gỗ thừa cắt bỏ từ các phân xưởng lẻ. Sau đó được bào cuốn, cắt gọt theo tiêu chuẩn. Quan trọng nhất của khâu tạo ra 1 tấm gỗ ghép hoàn chỉnh đó là khâu ghép gỗ. Hiện nay có các kiểu ghép sau:
1. Ghép song song
Ghép song song là kiểu ghép gỗ bằng cách sử dụng các thanh gỗ có cùng chiều dài, nhưng có thể khác chiều rộng ghép lại. Chúng được xếp theo kiểu song song với nhau, liên kết bằng keo dán gỗ chuyên dụng.
2. Ghép mặt (ghép finger)
Tấm ván gồm nhiều thanh gỗ gắn ở 2 đầu được xẻ theo hình răng cưa. Rồi lần lượt ghép với nhau thành các thanh có chiều dài bằng nhau. Khi ghép song song các thanh gỗ lại với nhau chỉ thấy hình răng cưa trên bề mặt.
3. Ghép cạnh
Tấm ván gồm nhiều thanh gỗ ngắn ở hai đầu được xẻ theo hình răng lược (ở bên cạnh). Rồi sau đó ghép thanh có chiều dài bằng nhau. Từ các thanh có chiều dài bằng nhau đó tiến hành ghép song song tương tự như kiểu ghép mặt.
4. Ghép giác
Tấm ván gồm nhiều thanh gỗ ngắn ở 2 đầu được xẻ theo hình vẽ; rồi ghép thành các thanh có chiều dài bằng nhau. Sau đó ghép song song các thanh này với nhau.

Phân loại tiêu chuẩn gỗ ghép theo bề mặt
Gỗ ghép sau khi ghép thành tấm thường được phân loại riêng theo từng phẩm cấp nhất định. Tương ứng với mỗi tiêu chuẩn sẽ có 1 mức giá gỗ ghép thanh khác nhau. Dưới đây là các tiêu chuẩn cơ bản.
1. Gỗ ghép thanh chất lượng AA
Là chất lượng tốt nhất của gỗ ghép thanh có hai mặt và các cạnh đẹp, màu sắc hài hòa. Chúng thích hợp cho việc sản xuất thành phẩm gỗ yêu cầu đẹp tuyệt đối. Tương ứng giá gỗ ghép thanh chất lượng AA thường cao nhất.
2. Gỗ ghép thanh chất lượng AB
Tức là gỗ ghép sẽ có 1 mặt đẹp (mặt A) và 1 mặt tương đối thôi (mặt B). Ở mặt A đẹp tuyệt đối không cho phép mắt chết đường chỉ đen. Mặt B cho phép mắt sống mắt đen nhỏ với đường kính trung bình bé hơn 5mm. Đường chỉ đen ngắn và trung bình cho phép đường chỉ, mắt sống tối đa là 4 – 5. Gỗ ghép thanh chất lượng AB phù hợp với việc sản xuất các loại gỗ thành phẩm như: mặt bàn quán cafe, thùng tủ áo, thùng tủ bếp…
3. Gỗ ghép thanh chất lượng AC
Là gỗ ghép có mặt A đẹp tuyệt đối không cho phép mắt chết đường chỉ đen. Mặt C còn lại không giới hạn đường chỉ hay mắt đen, màu sắc tương đối xấu hơn so với hai loại trên. Loại ván này sử dụng làm ván lót sàn hoặc ốp lamri tường, chỉ cần một mặt đẹp.
4. Gỗ ghép thanh chất lượng BC
Mặt B cho phép mắt sống mắt đen nhỏ với đường kính trung bình bé hơn 5mm. Đường chỉ đen ngắn và trung bình cho phép đường chỉ, mắt sống tối đa là 4 – 5. Mặt C không giới hạn đường chỉ hay mắt đen, màu sắc tương đối xấu.
5. Gỗ ghép thanh chất lượng CC
Là loại gỗ ghép thanh có chất lượng 2 mặt rất xấu. Mặt C không giới hạn đường chỉ hay mắt đen, màu sắc tương đối xấu. Chúng thường dùng để làm cốt gỗ dán veneer lên bề mặt.
Ưu nhược điểm của gỗ ghép thanh
Bất kỳ loại gỗ nào cũng tồn tại những ưu nhược điểm nhất định. Dựa vào đó mà chúng thường có những ứng dụng khác nhau sao cho phù hợp.
Ưu điểm
- Tuy không triệt để nhưng gỗ bị mối mọt rất ít cho đã xử lý kỹ.
- Hầu như rất ít xuất hiện tình trạng gỗ bị cong vênh.
- Khả năng chịu xước và va đập tốt.
- Giá thành rẻ, giải quyết vấn đề khan hiếm của gỗ tự nhiên
Nhược điểm
- Màu sắc và hệ vân không cao do được ghép từ nhiều thanh gỗ khác nhau.
- Độ cứng tương đối kém hơn so với gỗ tự nhiên.
- Không gia công cắt gọt thành phào chỉ hay đục đẽo kiểu tân cổ điển được.
Ván gỗ ghép thanh đã trở thành sản phẩm ván gỗ công nghiệp phổ biến bên cạnh ván dăm (okal) hay ván mdf. Chúng được dùng nhiều hơn do thành phần nguyên liệu cơ bản của sản phẩm này là các thanh gỗ tự nhiên. Hoàn toàn khác mdf hay hdf ở chỗ không phải dăm gỗ hay bột gỗ như các loại ván trên. Với những gì đăng tải ở trên, mong rằng sẽ giúp quý bạn đọc hiểu hơn về dòng ván này. Từ đó tùy theo tình hình thực tế mà ứng dụng chúng vào mục đích mà bạn cần sử dụng.